Không ai biết Sói đầu đàn - kẻ săn mồi bậc thầy chốn thảo nguyên, là con Sói khỏe mạnh nhất, kiên trì nhất, dũng cảm nhất... lại từng là con sói cô độc nhất, yếu thế nhất, hay bị bắt nạt nhất. Quá trình rèn luyện khắc nghiệt, sức mạnh sinh tồn phi thường đã biến chúng trở thành biểu tượng của thành công không thể cản phá.
01
Con sói có địa vị thấp nhất trong đàn sói là con sói có vóc dáng nhỏ nhất trong đàn. Con sói nhỏ bé tội nghiệp này thường bị các thành viên khác trong đàn bắt nạt. Trên mọi phương diện, nó luôn bị xếp ở vị trí cuối cùng. Đặc biệt là trong khi ăn, nó thường là thành viên đứng ăn sau cùng.
Nhưng, con sói nhỏ bé này lại có sức mạnh kỳ diệu. Qua một thời gian sống gian khổ và sau khi chứng minh được khả năng sinh tồn của mình, nó sẽ rời khỏi đàn, trở thành "con sói cô độc". Những "con sói cô độc" này sẽ nhập vào đàn khác, hoặc là tìm được bạn đời, và tạo ra một đàn thuộc về chúng. Nhờ có tính kiên nhẫn, nên trải qua càng nhiều gian nan, kỹ năng của con sói càng hoàn thiện hơn. Chúng thường trở thành một con sói đầu đàn rất ưu tú.
Từ quá trình trưởng thành của sói có thể thấy, chúng ta không những không nên sợ thất bại, lẩn tránh thất bại, mà còn phải khuyến khích thất bại. Vì trong thất bại, có thể thu hoạch được nhiều kinh nghiệm và bài học hơn, có được nhiều cơ hội để rèn luyện.
Giới thương mại nước Mỹ lưu truyền câu nói: Một người nếu chưa từng bị phá sản, anh ta chỉ là một nhân vật nhỏ; nếu từng bị phá sản một lần, anh ta rất có thể là một người thất bại; nếu từng phá sản ba lần, thì anh hoàn toàn có khả năng đánh đâu thắng đó.
Từng trải qua thất bại là tài sản rất quý giá, vì điều đó giúp bạn tích lũy được kinh nghiệm phong phú. Thất bại chỉ nói lên rằng bạn đang trả học phí để học được phương pháp thất bại. Thất bại, hoặc là đang nhắc nhở bạn hãy thay đổi cách thức hành động khác, hoặc là đang khuyên bạn rằng: "Con đường này không ổn, hãy tìm con đường khác", giúp bạn mở ra con đường thành công mới bằng cách chọn con đường khác.
02
"Tôi đã làm việc ở đây 30 năm rồi", một nhân viên trách móc cấp trên không thăng chức cho anh ta, "tôi có kinh nghiệm hơn những người được ông đề bạt hơn 20 năm".
"Không đúng", cấp trên nói, "anh chỉ có kinh nghiệm 1 năm, anh không hề học được bất cứ bài học nào từ sai lầm của bản thân, anh vẫn đang phạm sai lầm mà anh đã phạm phải từ năm đầu tiên đi làm".
Dù là một sai lầm nhỏ, bạn cũng nên học được một điều gì đó.
***
"Chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian", một trợ lý trẻ nói với Edison, "Chúng ta đã thử 20.000 lần rồi, vẫn chưa tìm ra vật chất làm dây tóc bóng đèn cao áp".
"Không!", thiên tài trả lời, "Chúng ta đã biết có 20.000 thứ không thể làm dây tóc bóng đèn cao áp".
Tinh thần này khiến Edison cuối cùng đã tùm ra Vonfram, phát minh ra đèn điện.
Người thành công có thể học được bài học từ thất bại, người thất bại là người đã bị thất bại nhiều lần mà vẫn không rút ra được bất cứ kinh nghiệm hay bài học gì. Thất bại không đáng sợ, nhưng sau khi thất bại không thu được kinh nghiệm gì và không biến nó thành giá trị mới trong cuộc sống của bạn mới là điều đáng sợ.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa người thành công và người thất bại là người thành công biết trân trọng kinh nghiệm từ sự thất bại, biết nắm bắt được bài học từ sự thất bại, khó khăn đến mấy cũng không nản chí, cố gắng khắc phục thất bại nhất thời để giành được thắng lợi lớn hơn. Người thất bại sẽ chìm đắm trong đau khổ, không thể tự đứng dậy, luôn buồn bã, ủ rũ, than thân trách phận khi gặp thất bại.
Vua dầu mỏ Rockfeller từng nói: "Bạn muốn thành công, thì phải chịu thất bại hết lần này đến lần khác".
Trong công việc, thất bại là điều khó tránh khỏi. Thất bại là việc tốt, chỉ cần không dễ dàng từ bỏ, tiếp tục cố gắng, không ngừng hành động, thì sẽ có ngày bạn được đặt chân lên con đường thành công.
Trên con đường sự nghiệp, chúng ta phải giữ thái độ lạc quan khi đối mặt với thất bại, vì trong đời người, hiếm có ai luôn được thuận buồm xuôi gió và thành công là kết quả là vô số lần thất bại. Đúng như lời Walt - Người sáng lập công ty General Electric nói: "Con đường hướng tới thành công chính là tăng số lần thất bại của bạn lên gấp bội".
Thất bại giống như một dòng sông, nếu ta không sợ sóng to gió lớn của dòng sông, không sợ chết đuối dưới sông, thì mới có thể bơi đến bờ thành công. Người ta thường ca tụng những người bơi được đến bờ bên kia, nhưng lại dễ dàng quên đi sự thất bại tất yếu khi bơi giữa dòng nước cả.
03
Ngày nay ai cũng biết đậu hũ thối "Vương Chí Hòa" nhưng ít ai biết rằng đậu hũ thối nổi tiếng kinh thành lại có liên quan mật thiết tới thất bại của Vương Chí Hòa.
Tương truyền vào năm Khang Hy, sau khi chàng trai Vương Chí Hòa, quê An Huy lên kinh ứng thí bị trượt, anh đã quyết định ở lại kinh thành, vừa tiếp tục học hành vừa làm đậu hũ để mưu sinh. Nhưng anh chỉ là một anh học trò trẻ tuổi, nên chưa có kinh nghiệm buôn bán. Vào một ngày mùa hè, đậu hũ mà anh làm ra còn dư rất nhiều, nên đành phải cắt nhỏ để vào vại ướp muối.
Ngày ngày trôi qua, anh ta quên bẵng đi vại đậu hũ này. Mãi đến mùa thu, anh ta mới sực nhớ đến, đậu hũ ướp muối đã trở thành "đậu hũ thối". Vương Chí Hòa rất bực bội, định vứt thứ đậu hũ thối um này đi, nhưng lại thay đổi ý định, để lại ăn. Thế là, anh ta nín thở nuốt vào bụng, kỳ lạ thay, đậu hũ thối tuy ngửi mùi thấy hôi nhưng ăn vào lại rất thơm.
Vương Chí Hòa bèn lấy món đậu hũ thối này ra mời bạn bè ăn. Nói mãi mọi người mới đồng ý nếm thử. Không ngờ sau khi ăn vào, mọi người đều khen lấy khen để.
Vương Chí Hòa thấy vậy liền chuyển sang làm đậu hũ thối. Việc kinh doanh ngày càng phát đạt, ngày càng nổi tiếng, đến cả hoàng thượng nghe danh mà đến nếm thử món đậu hũ thối này. Từ đó tiếng tăm của Vương Chí Hòa càng bay đi muôn nơi và món đậu hũ thối trở thành món ăn ngự thiện. Cho đến ngày nay, những người ngoại quốc đến Bắc Kinh đều muốn thưởng thức món đậu hũ thối Vương Chí Hòa. Vì một lần thất bại, Vương Chí Hòa đã thay đổi cuộc đời mình.
Dù biết, cách duy nhất để tránh phạm phải sai lầm là không làm gì cả vì một số sai phạm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng, không có thất bại, không có trắc trở thì sẽ không có được sự nghiệp to lớn.
Nguồn: Cafebiz.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét