Câu hỏi: Sau Tết vừa qua tôi có mua được một số cây mai vàng về vô chậu để làm gốc ghép. Nhưng không rõ tại sao sau khi trồng một thời gian, nhiều cây đã bị chết. Xin cho biết nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này?
Trả lời:
Muốn có cây mai ghép, người ta phải có cây mai vàng hay mai tứ quý làm gốc ghép để ghép giống mai quý lên (hiện nay người ta thường dùng giống mai giảo, như mai giảo Bình Định, mai giảo Thủ Đức. Đây là giống mai được ghép nhiều người ưa thích vì bông lớn, màu vàng và rực rỡ, có nhiều cánh (12 cánh, xếp thành hai tầng).
Để tạo được một gốc ghép người ta phải cắt bỏ những cành nhánh của cây mai vàng (hoặc mai tứ quý) chỉ để lại phần thân và những nhánh lớn (không còn lá), sau đó trồng vào trong chậu có chứa phân mục và những chất liệu có nhiều dinh dưỡng khác. Phần việc này giới trồng mai chuyên nghiệp thường gọi là "vô gốc".
Cũng giống như một số khâu kỹ thuật khác trong quá trình công tác cây mai ghép, khâu "vô gốc" cũng là một khâu rất quan trọng, nếu không biết cách rất dễ làm cho cây bị chết trước khi ra tược non để ghép giống mai quý vào (nhất là những người mới bước vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm, qua thực tế chúng tôi được biết không riêng gì bạn mà nhiều người mới "học nghề" cũng đã mắc phải tình trạng này).
Cây mai của bạn bị chết sau khi "vô gốc" có thể là do thời tiết sau Tết ở Nam Bộ thường nắng nóng và khô, sau khi trồng bạn lại để cây mai ở ngoài trời nắng nóng, làm cho cây mất nước rất nhanh, trong khi bộ rễ đang bị tổn thương (do vừa mới bứng từ nơi khác đưa vào chậu) chưa kịp ra rễ mới để hút nước bù đắp sự mất nước trên thân cây nên đã làm cho cây bị thiếu hụt nước, thời gian thiếu hụt nước kéo dài sẽ làm cho cây bị chết khô. Còn nếu như bạn đã đặt chậu mai trong bóng mát thì rất có thể bạn đã không tưới nước thường xuyên và tưới đủ lượng nước theo yêu cầu của cây mai, nếu tình trạng này kéo dài cũng có thể làm cho cây mai bị chết. Cũng có thể do khi bứng bạn đã không cẩn trọng làm bể, vỡ bầu đất, làm đứt nhiều rễ,...cũng dễ làm cho cây bị chết...
Để hạn chế cây bị chết khi "vô gốc" bạn nên thực hiện như sau:
- Khi bứng cần thận trọng tránh làm bầu đất bị bể vỡ làm đứt quá nhiều rễ.
- Sau khi trồng tuyệt đối không được đẻ chậu mai trên sân gạch, xi măng...trực tiếp nhận ánh nắng mặt trời, không khí chỗ chậu mai sẽ rất nóng làm cho cây mai mất nước, bị chết khô. Nếu có điều kiện nên để chậu mai vào chỗ mát dưới bóng cây hoặc dưới mái hiên.
- Nếu phải đặt chậu mai ngoài nắng thì phải có giàn che bớt một phần ánh nắng chói chang vào các buổi trưa của thời tiết nóng, kho hóc của mùa khô Nam Bộ. Đồng thời lấy rơm, rạ, cỏ khô hay lá chuối, lá dừa, lá mía...bó tamh xung quanh thân cây, thân cành một lớp dày khoảng một phân, để che bớt nắng, giữ ẩm mỗi khi tưới và giảm bớt sự mất nước của cây. Mỗi ngày tưới 1 - 2 lần (tưới cả vào gốc và trên bó lá, rơm, rạ,...bó xung quanh thân cây, cành, tốt nhất là tưới theo kiểu phun mưa từ trên xuống) để giữ ẩm cho đất trồng và giữ ẩm cho các bó lá, rơm, rạ,...Nhớ lá không nên tưới quá đẫm vào gốc, dễ làm cho bộ rễ bị úng nước, thiếu ôxy thối chết.
Khoảng một tháng sau khi "vô gốc", nếu thấy tược mới lú ra thì có thể tháo bỏ các bó lá, rơm, rạ...xung quanh thân cây, cành nhánh.
Hoa mai Tết Bình Định
Có thể bạn cũng muốn xem:
- Thời điểm bứng mai vàng tốt nhất là khi nào?
- Cách trồng cây mai không có bầu đất
- Vì sao cây mai bị chết nhánh, khô cành?
Tags: tại sao cây mai vô chậu bị chết, cách chăm sóc cây mai sau khi vô chậu, cách chăm sóc phôi mai sau khi vô chậu, phôi mai sống được bao lâu, cây mai bị chết sau khi thay chậu, chăm sóc cây mai sau khi trồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét