Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây mai thường gặp một số bệnh như: bệnh thán thư, bệnh rỉ sắt, bệnh đốm đồng tiền, bệnh cháy lá, bệnh vàng lá trên cây mai,… Đặc biệt là bệnh cháy lá trên cây mai gây thiệt hại nhiều cho người trồng mai. Vậy các bệnh này do tác nhân nào gây nên và cách trị và phòng ngừa như thế nào. Hoa Mai Bình Định xin mời các bạn theo dõi bài viết bên dưới để hiểu rõ hơn về các loại bệnh trên cây mai vàng này.
Các loại sâu bệnh thường gặp ở cây mai :
Có thể tạm chia ra làm ba loại chính : Sâu và bọ hút chích (côn trùng) – Nấm bệnh (vi khuẩn) và do người trồng gây ra:
a - Sâu và bọ hút – chích:
Mai thường bị các loại sâu tấn công như: sâu tơ, sâu nái và sâu đục thân….:
- Sâu là một đối tượng có hại cho cây mai nhất là trong giai đoạn mai ra lá non, đọt non, nó làm gián đoạn cho sự phát triển thân và cành của mai. Trên cây mai thường có thể có nhiều loại nhưng thông thường thì có loại sâu tơ có màu xanh nhạt, trên lưng có sọc theo chiều dọc, đầu màu đen, chúng nhả tơ quấn lấy các lá non và ăn cho đến lúc hết lá trên đọt.
Trong trường hợp này, nếu ít thì ta nhanh tay lặt bỏ các ngọn bị sâu hoặc bắt sâu, nếu nhiều thì phải phun thuốc diệt sâu, nếu để chậm thì cây sẽ bị xơ xác và Tết hoa không còn đẹp. Loại sâu nầy rất dễ trị vì nó không trốn như các loại côn trùng khác. Trị sâu có thể phun các loại thuốc thông thường có hoạt chất Abamectin, Cypermethrin.
- Ngoài loại sâu tơ ta cũng thường gặp nhiều loại sâu khác nhất là sâu nái: Loại nầy lớn hơn sâu tơ rất nhiều, nó có màu khó phân biệt với lá mai non khi còn nhỏ, lớn lên thường đổi qua màu nâu. Ta cũng có thể dùng các loại thuốc thông thường để trừ loại sâu nầy.
- Sâu đục thân: Đó là lọai sâu do bướm đẻ trứng bên ngòai cây, sau khi nở thì sâu khóet lỗ ở thân và chui vào bên trong sống với thức ăn là ruột cây, nhựa cây. Chất bổ dưỡng cho cây đã bị sâu “sơi” hết nên nhánh cây đó bị suy dinh dưỡng và nặng hơn sẽ bị khô héo đi.
Khi thấy nhánh héo ta tìm sẽ thấy một hai lỗ nhỏ trên nhánh, bẻ ra thì bên trong một phần bị trống và có cả thủ phạm rất “mượt mà” ở trong đó nữa. Nếu không phải là nhánh nhỏ mà thân chính thì cây rất dễ bị chết luôn. Kinh nghiệm cho thấy, cây nào bón nhiều phân hữu cơ nhất là bánh dầu thì rất dễ bị sâu đục thân hơn.
Ta nên chú ý khi thấy tự nhiên trên thân cây nhảy ra một tược non thì nên xem bên trên nó có hiện tượng sâu đục thân không? Sâu đục thân cũng rất dễ trị, chỉ cần dùng thuốc lưu dẫn Basudin chôn sâu dưới đất một ít thì ngừa hoặc trị được sâu đục thân. Khi bón phân bánh dầu thường kèm thêm một ít Basudin thì rất an toàn vì khi bánh dầu phân hủy không bị côn trùng, trùn đất ăn và sâu đục thân cũng rất ít xuất hiện.
Sâu đục thân có thể làm chết cả cây mai và nguy hiểm nhất đối với những cây mai đã tạo được dáng thế hoàn chỉnh. Chỉ cần sâu đục thân “thanh toán” đi một cành thì làm sai đi bố cục của cây, cây không còn giá trị nữa. Không dễ dàng gì ta tạo được cành mới tương xứng với cành bị sâu. Chú ý nhiều nhất trong giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa nắng.
- Rầy bông: loại rầy nầy rất khó trừ và nguy hiểm nếu để chúng tràn ngập thì có thể làm cho cây chết. Lúc đầu chỉ một ít bám vào đọt non hút nhựa, sau một thời gian ngắn, chúng phát triển rất nhanh với số lượng lớn và bám đầy cây mai nhất là ở các đọt non.
Để phòng trừ loại rầy bông khi thấy đọt non nào bị rầy bu, bám thì phải cắt ngay đọt đó đem ra xa rồi đốt cháy.
Xịt thuốc trên diện rộng, 3 ngày sau xịt lần 2 và 5 ngày sau thì xịt lần ba mới mong tiêu diệt chúng được. Ngoài rầy bông ra mai còn có cả rầy đen nữa loại nầy khi chúng tấn công mai thì trên lá xuất hiện nhiều muội đen là giảm đi sư quang hợp của cây.
Để phòng ngừa sâu rầy thì mỗi năm nên xịt thuốc ngừa từ 3 đến 4 lần trên diện rộng và nhất là trong giai đoạn mưa dầm, trời u ám. Các loại hoạt chất: Dimethoate, Azadirachtin có khả năng trị được các loại rầy.
- Bọ trĩ (còn gọi rầy lửa, bù lạch):
Đây là loại côn trùng rất nhỏ rất khó thấy (không quá 1mm) chúng di chuyển nhanh, vì ban ngày chúng thường ẩn núp trong vỏ cây, gốc cây và ngay cả dưới đất. Chúng thường xuất hiện khi mai ra đọt non, di chuyển từ cây nầy qua cây khác và đẻ trứng vào đọt cây, vài ngày sau trứng nở ra bù lạch ấu trùng. Cả con lớn và con ấu trùng đều chích hút nhựa trên lá non, tạo ra những vết trắng nhỏ li ti, những lá nầy mất dần chất dinh dưỡng, không phát triển bình thường được, mép lá uốn cong lên (quéo lá), lá bị khô cứng, cây sẽ bị mất sức rất nhiều. Bọ trĩ thường phát triển mạnh sau Tết (mùa nắng nhiều) và giảm dần trong mùa mưa.
Để phòng và trị bọ trĩ ta có thể :
- Tưới nước bằng vòi xịt mạnh trên tán cây đề làm giảm đi mật độ bù lạch trên cây (có làm thử một số bọ trĩ bị rơi mất nhưng không biết được chúng có chết không hay trở lại cây).
- Phun thuốc đặc trị loại hút chích có hoạt chất như Imidaclorid, Fipronil Abamectin, thuốc pha đúng sự chỉ dẫn của nhà sản xuất. Cũng xin lưu ý thêm là loại nầy rất dễ quen (lờn) thuốc, khi phun vài ba lần một loại thuốc nào thì nên đổi phun các loại thuốc khác, nếu tiếp tục phun một loại thì không còn tác dụng nữa (xin xem lại trong phần Tổng hợp các loại thuốc trừ sâu cho cây mai vàng).
- Nhện đỏ:
Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus sp, chúng rất nhỏ (<1mm) nhưng gây hại rất nhiều cho các loại rau màu, hoa kiểng. Nhện có hình bầu dục, có 8 chân, khi mới nở có màu xanh nhạt, lớn lên chúng chuyển dần sang màu vàng, hồng rồi đỏ.
Nhện đỏ phát triển và phá hoại nhiều nhất trong mùa mưa (cao điểm tháng 8 âm lịch) và cả con lớn và con non thường bu bám chích hút trên bề mặt lá, cạp biểu bì của lá nhất là lá bước vào giai đoạn trưởng thành trở đi.
Lá bị nhện đỏ chích hút bị lấm tấm như bụi cám, sau đó chuyển sang màu xanh đen và nâu hơi đậm và đôi khi lá có thể phồng lên như bánh tráng. Nhện đỏ gây hại làm lá giảm sự quang hợp, lá già nhanh có thể bị rụng sớm làm hoa nở sớm hoặc ảnh hưởng rất lớn cho việc tạo hoa trong dịp Tết.
Để phòng ngừa nhện đỏ ta nên tạo thông thoáng trong vườn, tránh đặt chậu qua gần nhau, tỉa những cành chen chúc trong tán cây.
Quan sát lá mai hàng ngày, vì nhện đỏ chỉ phá hoại là trong giai đoạn trưởng thành đến lúc già, nếu thấy lá có hiện tượng như có bột cám trên mặt thì đã bị nhện đỏ phá hoại rồi, hoặc dùng kính lúp quan sát trên mặt lá, dưới dạ lá sẽ phát hiện được nhện đỏ.
Ngoài ra ta cũng có thể ép 2 tờ giấy trắng vào hai bên mặt lá rồi vuốt nhẹ, nếu thấy trên giấy có những chấm vàng, hồng, xanh xuất hiện thì chắc chắn cây đã bị nhện đỏ tấn công.
Để trị nhện đỏ phải dùng thuốc đặc trị có các hoạt chất như :
- Fenpyroximate, Piradaben, Hexythiazox, Fipronil, Difocol (loại nầy độc nên hạn chế sử dụng).
Nhện đỏ cũng dễ kháng thuốc như bọ trĩ, vì thế không nên xịt cùng một loại thuốc quá nhiều lần.
- Bọ xít:
Bọ xít có tên khoa học là Helopeltis theivora. Bọ xít có mùi hôi khi tiếp xúc với nó. Bọ xit thường đẻ trứng ở hai nhánh giao nhau, chúng gây hại bằng cách chích vào cành non của cây tạo thành những vết u sần sùi, nếu nặng hơn có thể làm chết cành hoặc cả cây.
Bọ xít có 2 loại: một loại màu xám đen và một loại khác màu hơi xanh, chân dài hơn. Có thể dùng các loại thuốc có các hoạt chất như Methidathion, Dimethoate hoặc các loại thuốc trừ sâu khác cũng có thể diệt được chúng.
- Bọ cánh tơ:
Có tài liệu còn gọi bọ cánh tơ là bù lạch , lại có vài tài liệu khác gọi bọ trĩ là bù lạch hay bò lạch.
Chúng cũng giống như bọ trĩ thường chích hút trên lá non. Khi bọ cánh tơ chích thì triệu chứng thường thấy là dưới mặt lá non có hai vệt màu xám song song với gân chính, đọt non bị chích thường sần sùi, cứng và dòn, hai mép lá và chóp lá cong lên và có thể bị rụng.
Bọ cánh tơ sống chủ yếu ở đọt non, ít di chuyển, gây hại nhiều nhất là mùa khô và giảm dần vào mùa mưa.
Phòng trừ bọ cánh tơ bằng cách tưới ướt lá và bề mặt đất để diệt ấu trùng của chúng. Cắt tỉa đọt non để hạn cế thức ăn của chúng và phun thuốc diệt chúng cùng loại với bọ trĩ.
- Các loại rệp :
Trên cây mai, có thể có nhiều loại rệp bám nhiều nhất là loại rệp sáp. Loại nầy có tên khoa học là Dysmiccocus sp. Rệp có lớp phấn (dạng lông tơ) bao quanh mình, nên khi phun thuốc không có tác dụng nhiều. Thông thường cây nào có rệp sáp thì có hiện tượng kèm theo là kiến lửa (không phải kiếng vàng), chính loại kiến nầy tha rệp lên cây để rệp hút nhựa và tiết ra chất mật ngọt cho kiến ăn, kèm theo còn có thể có mụi đen bám trên lá cây và cả lớp keo dính nữa.
Rệp sáp đẻ trứng thành ổ xếp chồng lên nhau. Khoảng 7 ngày sau rệp non nở sống trên kẽ lá, lột xác nhiều lần. Khí hậu nóng, ẩm thích hợp cho rệp phát triển. Rệp gây hại bằng cách hút nhựa làm đọt xoắn lại, lá vàng, cây mất dinh dưỡng. Rệp còn có khả năng truyền virus cho cây và chúng có thể phá hoại nhiều loại cây khác nhau (nhất là cây thiên tuế). Diệt rệp bằng các loại thuốc có hoạt chất như Methidathion, Cypermethrin…
Ngoài ra cũng còn có loại rệp sáp giả có hình dạng:
Rệp dính: Trên cây mai cũng thường thấy xuất hiện loại rệp dính, chúng sinh trưởng nhanh và bám đầy trên cành hoặc lá cây. Loại rệp nầy nhỏ, có đường kính khoảng 1,5 mm có vỏ như hình mai rùa nhưng trơn lán. Bốp mạnh chúng bể ra bên trong chúng là lớp keo nhớt màu đỏ gạch cua.
Rệp dính đeo bám hút nhựa cây làm cây mất dinh dưỡng, nếu mật độ qúa nhiều có thể làm chết cây. Ta có thể diệt chúng bằng cách dùng nẹp tre để cạo chúng ra khỏi cây mai và cũng phải phun thuốc để diệt triệt để hơn. Có thể dùng cùng loại thuốc như rệp sáp.
- Ong xén lá:
Lọai ong nầy thường cắt lá non về ăn hoặc làm tổ, chúng có bộ phận cưa lá rất đẹp. Chỉ cần chúng có hiện diện thì một số lá sẽ bị cắt khuyết từng mãnh. Loại ong nầy không hại lắm.
b - Nấm mốc:
- Nấm mốc (vi khuẩn): Đây là kẻ thù số một của Mai, Sâu rầy tấn công thì mai có thể bị mất sức chỉ khi ta không để ý đến lúc bị quá nhiều thì mai mới bị chết nhưng nấm mốc là kẻ thù “dấu mặt” của mai, đến khi phát hiện Mai bị nhiễm khuẩn thì có thể là hơi muộn màng, nhiều khi xịt thuốc thì Mai chết luôn.
Nấm mốc thường phát sinh nhiều trong những tháng mưa nhiều, nhất là những cây trồng nơi râm mát, ít thoáng khí. Thường ta bón phân hữu cơ như bánh dầu rất dễ có nấm mốc. Bắt đầu là rong rêu bám trên cây, cành, sau một thời gian nấm mốc có chỗ ở và phát triển lan dần từ thân đến lá.
Nấm lá cũng là nguyên nhân của sự rụng lá sớm làm cho mai nở không đúng Tết. Nấm lá xuất hiện nhiều khi trời mưa dầm, ít nắng hay trời nóng mà có ẩm độ cao. Nấm lá có nhiều lọai như nấm hồng, rỉ sắt, thán thư, cháy lá… Nếu bệnh nhẹ cây bị mất sức, bệnh nặng và có cùng một lúc hai thứ bệnh trở lên cây có thể chết.
- Nấm hồng:
Một lọai nấm rất nguy hiểm là nấm hồng (Corticium salmonicolor), chúng thường bám vào thân, cành nhất là những chỗ bị nứt nẻ, yếu ớt. Nấm xuất hiện nhiều vào thời điểm bắt đầu mưa, lúc đầu trên thân xuất hiện những vệt màu hơi vàng, sau đó lan ra thành những đóm màu hồng lớn hơn, chúng phát triển hết cả cành, ở những nơi nầy ta thấy do cây khô cứng hơn các nơi khác nên không dẫn nhựa được, cây hoặc nhánh sẽ khô dần rồi chết, nếu chưa chết thì tược non cũng không phát triển được.
Để trị ta có thể dùng bàn chải cứng, chải sạch lớp mốc bám bên ngòai, bôi thuốc Bordeau (pha thuốc phần cuối) hoặc xịt các thuốc có hoạt chất: Hexaconazole, Carbedazim… vài lần như thế sẽ diệt được.
Nấm hồng phát triển mạnh vào mùa khô, nắng nhiều. Khi trời mưa thì chúng giảm dần. Ngoài việc xịt thuốc để phòng và trị nên kiểm tra thường xuyên vườn mai nhất là trong mùa khô và chú ý nhiều đến những cành có một vài lá có hiện tượng bạc trắng hoặc màu xanh nhạt hẳn trên lá, gân lá vẫn còn xanh. Đó là triệu chứng cho biết có khả năng nấm hồng chuẩn bị tấn công
- Bệnh thán thư:
Xuất hiện nhiều ở lá non vào những tháng có mưa nhiều, Nhất là những ngày trời nóng ẩm cao, lúc đầu là những đóm nhỏ màu nâu trên lá (thường thấy ở giữa lá hơn) rồi lớn dần, chỗ bị thán thư lá cong lên rồi rụng lá, bệnh lan rất nhanh làm cho cây bị mất sức.
- Bệnh rỉ sắt:
Là một bệnh gây hại cho lá cây nhất là ở mùa mưa. Lá cây dễ bị bệnh nhất ở giai đoạn trưởng thành trở đi, lúc đầu trên lá xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu và lớn dần có đường kích dưới 2mm, thường bệnh xuất hiện trên phiến lá ít khi ở ngoài bìa lá vì vết có màu như rỉ sắt nên được đặt tên là bệnh rỉ sắt.
Vết rỉ sắt cà hai mặt của lá, xung quanh vết bao giờ cũng có một quần màu vàng.. Bệnh không được chữa thì làm cho lá mai mất dần màu xanh là ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp của cây, mai sẽ mất sức, cây trở nên yếu ớt...
Để phòng bệnh nầy nên:
+ Không đặt các chậu mai quá gần nhau. Tỉa bớt các cành quá dày đặt để tạo thông thoáng trong tán cây.
+ Không để vườn mai bị đọng nước qua lâu (nước mưa phải thoát hết sau khi mưa.
+ Vào mùa mưa, nhất là từ tháng 7 âl nên kiểm tra thường xuyên vườn mai, nếu thấu bệnh xuất hiện phải phun thuốc trị bệnh ngay.
+ Có thể phun các loại thuốc có các hoạt chất như: Hexaconaaole, Mancozeb, Dinicozole , Epoxiconazole… ...
Có thể phun thuốc định kỳ từ 7 đến 10 ngày một lần.
- Tuyến trùng hại rễ mai:
Tuyến trung có tên Meloidoigyne sp là loại sinh vật có kích thước rất nhỏ, vào khoảng 0,5 mm sống trong đất, chúng đục lỗ chui vào rễ chích hút chất dinh dưỡng của mai, những nơi bị tuyến trùng chít tạo thành bướu rễ.
Các rễ có bứu sẽ phát triển rất yếu. Triệu chứng thể hiện trên là là: phiến là vàng và nhỏ hơn bình thường, nhổ rễ lên ta thấy có những nốt tròn trên rễ (bướu). Cây sẽ phát triển kém và nặng hơn có thể chết.
Để phòng trị tuyến trùng ta cần:
+ Ta tăng cườngbón phân hữu cơ cho cây , vì trong phân hữu cơ có nhiều vi khuẩn và nấm ký sinh có thể tiêu diệt tuyến trùng.
+ Những cây bị chết do tuyến trùng phải nhổ bỏ, mang ra khỏi khu vực vườn đốt bỏ.
+ Phun thuốc có hoạt chất:Cytokinin, Chitosan …
Tưới quanh gốc cây 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa hoặc tưới vào lổ trước khi trồng mai với thuốc Oncol 20EC pha 50 ml/10 lít nước
Dùng cây cúc sau khi ra hoa bâm nhỏ chôn quanh gốc mai cũng có thể trị được tuyến trùng.
- Rêu xanh - Mốc đồng tiền:
Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn mưa dầm (tháng 7-8 âl), cây bị ướt đẫm, trời u ám một số rong rêu phát triên trên thân cây và cả những cành nhỏ bị lá che khuất.
Lớp rêu xanh phát triển bao quanh cây và choáng đầy vỏ cây. Đây là loại ký sinh không tác hại lớn như các loại bệnh khác nhưng nếu lớp rêu qua dày đặt thì thân cây khó trao đổi chất cũng làm ảnh hưởng cho việc tăng trưởng của cây và lớp rêu xanh nầy cũng có thể là môi trường giúp các loại bệnh khác phát triển cụ thể là mốc đồng tiền.
Mốc đồng tiền khi phát triển lúc đầu thì chỉ bám nhẹ ở mặt ngoài vỏ cây trên nền của rêu xanh., chỉ cần dùng que cạo nhẹ thì có thể nó sẽ tróc hết. Nêu thời gian phát triển dài thi lớp mốc ăn sâu vào vỏ cây.
Để phòng và trị các loại nầy ta phải:
+ Tạo thông thoáng cho vườn mai bằng cách đặt các chậu mai không gần nhau quá, tỉa bớt các cành quá rậm rạp.
+ Dùng que cạo lớp mốc đồng tiền cho sạch rồi phun thuốc có gốc đồng hoặc pha CuSO4 để tiêu diệt rêu xanh và mầm mốc đồng tiền
+ Ngoài ra ta còn thấy trên lá mai có những lớp mốc xám, hay vàng phát triển nhất là trong mùa mưa. Các lọai bệnh nấm lá có thể xịt thuốc diệt nấm có hoạt chất như : Hexaconazole, Copper Oxychlodride…
- Bệnh cháy lá: cách trị bệnh và phòng ngừa
Bắt đầu từ bìa lá rồi sau lan dần vào trong cuối cùng lá bị rụng, bệnh này làm cho cây bị mất sức và nếu nặng có thể cây bị chết. Cũng cần lưu ý rằng khi thấy mai bị cháy lá thì kiểm tra lại thật kỹ, xem có phải bị nấm, virus làm cháy lá không hay vì một nguyên nhân khác .
Nếu bệnh cháy lá do nấm Pestalotia funerea hoặc Deutereromycetesthì trên lá xuất hiện đầu tiên ở chóp và mép lá tạo thành vết nâu, lớn dần vào phiến lá, có khi chiếm hơn ½ lá, trên vết nâu có những chấm đen nhỏ là ổ của bào tử , bệnh nặng hơn lá chuyễn sang màu vàng rồi rụng. Bệnh xuất hiện nhiều ở mùa thu, cây có nhiều lá già, cây sinh trưởng chậm nhất là cây thiếu phân bón hoặc mất cân đối giữa N, P, K.
Để phòng trị bệnh cháy lá trên cây mai vàng:
+ Phun thuốc định kỳ loại có gốc đồng, Haxaconazole… và phân bón lá NPK cho cây.
+ Ngắt bỏ những lá có màu vàng nhạt hoặc trắng bạc.
+ Bón phân đầy đủ nhất là cung cấp các vi lương cần thiết cho cây.
d - Bệnh do người trồng:
Ngoài việc lá bị cháy do vi khuẩn gây ra cũng còn một số nguyên nhân khác làm cho cây bị cháy lá:
+ Quá cưng cây mai nên phun thuốc trừ sâu, trừ nấm quá liều lượng hoặc phun liên tiếp với thời gian quá gần.
+ Bón phân (nhất là phân hoá học) đậm quá hoặc bón phân trong giai đoạn quá nắng nóng (ở miền Nam vào khoảng tháng 2,tháng 3) cũng có thể làm cho cây bị cháy lá.
+ Một số cây có bệnh về sinh lý như èo uột, lá bị nhỏ, một ít lá bị vàng, đọt non mới ra lại bị héo… Khi gặp những trường hợp nầy cần xem lại:
+ Lỗ thoát nước có thể bị bít hoàn toàn hay một phần làm thúi một số rễ cây không phát triển được.
+ Đất trồng lâu ngày bị đóng cứng lại cản trở rễ cây hô hấp. Ngoài ra khi đất bị nén cứng bám chặt vào rễ cây, khi đất chuyển trạng thái từ khô qua ướt hay ngược lại khối đất nở ra hoặc co lại làm một số lông hút bị hư đi, cây không hấp thụ đủ chất.
+ Tưới không đủ nước cho cây:
+ Tưới nước liên tục, làm rễ luôn bị ẩm ướt . Việc này kéo dài nhiều ngày làm một số rễ bị hư đi, Cây sống trên đống thức ăn mà không ăn được, ta nên kiểm tra lại….
Nếu không có các lý do trên thì xem lại nước tưới có bị nhiễm phèn, mặn không? Nếu có phải thay nước tưới ngay. Mai phát triển bất bình thường phải tìm nguyên nhân nhanh để phòng trị, chậm quá mai có thể bị yếu sức còn nặng hơn có thể chết hoặc không chết thì hồi phục rất lâu.
Trên đây là tất cả các loại bệnh thường gặp trên cây mai, hy vọng với những chia sẽ này, các bạn nhìn vào vết bệnh của cây mai có thể biết được cây mai bị bệnh gì từ đó có cách chăm sóc và phòng trừ bệnh hiệu quả cho cây mai.
Hoa Mai Bình Định chân thành cám ơn các bạn đã đón xem, xin hẹn gặp lại các bạn trong các chuyên mục khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét